Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền một đoạn clip ngắn ghi lại hình ảnh một người đàn ông đang nướng mực bằng cồn, bất ngờ ngọn lửa cháy lan sang cháu nhỏ ngồi cách đó 2m. Lửa bén vào người, trong phút chốc, trẻ bị lửa đỏ quấn quanh người. Gia đình hốt hoảng, vội vã bế em bé rời đi tìm cách sơ cứu.
Việc bỏng cồn khi nướng thực phẩm, phổ biến là nướng mực, cá khô… không phải hiếm gặp. Thực tế đã có những câu chuyện thương tâm xảy ra khi nướng mực bằng cồn. Nhiều nạn nhân bỏng nặng phải nhập viện trong tình trạng nghiêm trọng.
Trước đó, Vào tháng 3/2023, một cháu bé 6 tháng tuổi ở Đồng Nai đã bị bỏng nặng do bà ngoại nướng mực bằng cồn. Khi bà châm thêm cồn để nướng mực, lửa đã phụt lên khiến cháu bé đang được bà ngoại bế trên tay bị lửa cháy vào mặt, ngực và tứ chi.
Vào tháng 2/2023, 3 người trong một gia đình ở Kiên Giang bị bỏng nặng, trong đó một bé gái tử vong do khi đang nướng mực, người cha vô tình quơ tay khiến chai cồn đổ vào ngọn lửa và gây nổ. Hai cha con bị bỏng nặng. Người vợ nghe tiếng hét chạy vào cứu con cũng bị bỏng theo. Hàng xóm phát hiện sự việc và đưa 3 người đi cấp cứu nhưng bé gái đã không qua khỏi.
Ảnh minh họa.
Cần bỏ thói quen sử dụng cồn y tế để nướng mựcTheo các bác sĩ khoa điều trị bỏng người lớn, Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác (Hà Nội), hầu hết ca bỏng cồn nhập viện đều do nướng mực. Tai nạn bỏng cồn rải rác quanh năm, nhưng thường gặp nhiều nhất vào mùa hè.
Do mực, cá khô là đồ dễ bảo quản, dễ chế biến thành món ăn trên bàn nhậu, cùng với đó là thói quen dùng cồn để nướng mực của đại đa số người dân có thể bắt nguồn từ suy nghĩ nướng bằng cồn ngon hơn và không độc so với nướng bằng bếp than, bếp điện, bếp gas.
Nguyên nhân chủ yếu của bỏng lửa cồn là do sự chủ quan của người nướng. Ngọn lửa cồn có màu xanh, nhìn bằng mắt thường đôi khi khó nhận ra (nhất là dưới ánh nắng mặt trời) dẫn đến việc nhiều người nghĩ cồn đã bị cháy hết mà thức ăn chưa chín.
Chính vì vậy, họ lại tiếp tục đổ trực tiếp cồn vào khay thức ăn đang nướng dở dẫn đến lửa bắt vào cồn cháy bùng lên.
Nhiều nạn nhân khi thấy ngọn lửa bùng lên bất ngờ thì có các động tác như vung tay, vung chân theo phản xạ khiến cho lửa bắt vào quần áo càng gây cháy nhiều hơn.
Các bệnh nhân bị bỏng cồn thường ở vị trí như đầu, mặt, cổ, hai tay, vì vậy có nguy cơ để lại các di chứng về thẩm mỹ, ảnh hưởng đến khả năng lao động. Thậm chí để lại hậu quả nặng nề như xuất hiện sẹo co kéo, co rút ảnh hưởng đến chức năng vận động của các chi thể, nhiều trường hợp bỏng nặng dẫn tới tử vong.
Do không nhận thức được hậu quả của bỏng cồn nên hiện nay còn rất nhiều người dân chủ quan vẫn sử dụng cồn để nướng thức ăn. Chỉ cần một tích tắc sơ ý, người sử dụng cồn để nướng thức ăn có thể đánh đổi bằng cả mạng sống của chính mình.
Lưu ý sơ cứu khi bị bỏngTheo các bác sĩ, bỏng lửa cồn là bỏng do sức nhiệt khô gây ra. Vì vậy bỏng lửa cồn cũng có những đặc điểm tương tự như bỏng do các nguyên nhân khác sinh ra sức nhiệt.
Tổn thương bỏng do cồn gây ra thường bỏng nông, bỏng sâu xen kẽ phụ thuộc vào nhiệt độ và thời gian tiếp xúc với da. Ngoài ra bệnh nhân bỏng lửa cồn có thể bị nhiễm độc, bỏng hô hấp gây nguy hiểm tới tính mạng.
Trong khi đó cồn (ethanol) là một chất lỏng không màu, dễ bay hơi, có mùi đặc trưng và dễ bắt cháy, được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như y tế, làm dung môi trong ngành công nghiệp dược phẩm, mỹ phẩm, in ấn, trong một số loại đồ uống...
Theo Bệnh viện Bỏng Quốc gia, trong trường hợp bị bỏng, cần nhanh chóng tách nạn nhân ra khỏi tác nhân gây bỏng.
Tiếp đó cắt bỏ quần áo ở vùng vết thương bị bỏng, ngâm vùng bị thương trong nước mát từ 15 - 20 phút.
Nhanh chóng đưa nạn nhân đến ngay cơ sở y tế gần nhất hoặc cơ sở y tế chuyên khoa bỏng càng sớm càng tốt.
Tuyệt đối không làm theo các mẹo chữa bỏng được lan truyền như bôi nước mắm, kem đánh răng, mỡ trăn... hoặc sử dụng các loại lá cây, thuốc đông y không rõ nguồn gốc đắp lên vết bỏng. Điều này sẽ khiến tổn thương nặng thêm, nhiều trường hợp biến chứng dẫn tới tử vong khi dùng thuốc lá không rõ nguồn gốc.